Cây sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới rất được ưa chuộng ở các nước Đông Nam Á, tại Việt Nam cây sầu riêng đã phát triển từ lâu, nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng cao, nên được người dân quan tâm và đầu tư phát triển trong thời gian gần đây. Cây sầu riêng nếu được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Sầu riêng là cây ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao, không thích hợp với khí hậu nóng và khô hanh, khi cây ra hoa cần có nhiệt độ không khí từ 20 - 220C, ẩm độ từ 50 - 60%. Cây có thể phát triển và sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là đất thịt, thoát nước tốt, độ pH từ 4,5 - 6,5, độ dốc không quá 300, gần nguồn nước tưới; không chịu đất phèn, mặn và úng, phát triển kém trên đất sét nặng, không chịu được gió mạnh vì là loại thân gỗ yếu và có bộ rễ nông.
Hiện nay, có nhiều giống sầu riêng, tuy nhiên có 2 giống sầu riêng phù hợp và được trồng phổ biến tại Lâm Đồng như:
Giống sầu riêng Monthong: Cây có dạng tán hình tháp, có khả năng sinh trưởng mạnh. Cây ghép nếu được chăm sóc tốt thì sẽ cho trái khá sớm sau 3 năm trồng. Năng suất khá cao và khá ổn định (140kg/cây/năm đối với cây khoảng 9 năm tuổi); Trái khá to (2,5 - 4,5kg/trái), thường có dạng hình trụ, vỏ trái màu vàng nâu khi chín, cơm trái màu vàng nhạt, ráo, vị ngọt béo, thơm trung bình, hạt lép nhiều, tỷ lệ cơm cao (31,3%).
Giống sầu riêng Ri 6: Cây có đặc tính sinh trưởng khá tốt, phân cành ngang đẹp, dạng tán hình tháp; Nếu được trồng bằng cây ghép và chăm sóc tốt thì sau 3 năm trồng cây sẽ cho trái bói. Trái có trọng lượng trung bình 2 - 2,5kg/trái, có hình elip, vỏ trái có màu vàng khi chín, cơm vị béo ngọt, thơm nhiều, hạt lép nhiều và tỷ lệ cơm cao (33%).
Tiêu chuẩn lựa chọn cây giống: Chỉ sử dụng cây ghép (ghép mắt hoặc ghép cành), gốc ghép phải thẳng, đường kính gốc ghép 1,0-1,5cm, bộ rễ phát triển tốt, thân thẳng và vững chắc, có từ 3 cành cấp 1 trở lên, các lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây từ 80cm trở lên (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi), cây đang sinh trưởng khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh.
Chuẩn bị đất trồng: Đất trồng sầu riêng phải đảm bảo chủ động nước tưới trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa cũng như có thể tạo khô hạn để xử lý cây ra hoa nghịch vụ.
Trồng mới: Thời vụ trồng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa, khi đất vừa đủ ẩm. Khoảng cách: trồng thuần: 125-156 cây/ha (8m x 8-10m/cây); trồng xen: 70-100 cây/ha (10x12m/cây).
Chuẩn bị hố trồng: Đào hố với kích thước tối thiểu là 60 x 60 x 60cm; Bón lót: 15-20kg hữu cơ + 0,5kg super Lân + 200g NPK 16-16-8/hố trộn lớp đất mặt và phân rồi lấp hố trước khi trồng từ 10-15 ngày.
Chăm sóc
Giai đoạn kiến thiết cơ bản: Ngay sau khi trồng cần tưới nước và che mát cây con (che không qúa 50% ánh sáng mặt trời). Đảm bảo độ ẩm cho đất trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa để giảm tỷ lệ cây chết, có thể tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa tại gốc.
Tỉa cành, tạo tán: Trong năm thứ hai, thứ ba khi cây chưa cho trái cần tỉa bỏ những cành vô hiệu, chỉ để 1 ngọn với các cành ngang khỏe mạnh phân bố đều trên thân chính. Lưu ý: Tỉa cành xong mới tiến hành bón phân.
Bón phân: Hàng năm mỗi gốc bón 5-10kg phân gà đã ủ hoai mục (hoặc các dạng phân hữu cơ khác) kết hợp phân vô cơ có chứa nhiều đạm và lân như 18-11-5 hoặc 15-15-6. Năm đầu tiên khoảng 0,3kg/gốc/năm, chia nhiều lần bón, liều lượng tăng dần theo độ lớn của cây, chú ý bổ sung thêm chất Magiê (Mg).
Giai đoạn cây cho trái ổn định: Tỉa cành tiến hành ngay sau khi thu hoạch, tỉa bỏ chồi vượt, cành bị sâu bệnh nhằm giúp vườn thông thoáng và kích thích cho cây sầu riêng ra đọt tập trung.
Kích thích ra đọt: Dùng NPK có hàm lượng đạm cao như 18-11-5 (1-2kg/cây), phun hỗ trợ phân bón lá 30-10-10 cùng với GA3 (gibberellin) ở nồng độ 5-10ppm để kích thích tạo chồi mới khỏe. Khi cơi đọt (đọt non) thứ nhất thành thục thì bón phân lần 2 và tưới nước để kích thích cây ra cơi đọt lần hai. Tưới đủ ẩm, tưới 1-2ngày/lần vào mùa khô để kích thích cho cây ra đọt tốt.
Xử lý ra hoa (áp dụng khi xử lý ra hoa nghịch vụ): Khi lá cơi đọt cuối chuyển sang lụa thì bón phân có hàm lượng lân cao như 10-50-17 (liều lượng 1-2kg/cây), tưới nước đủ ẩm để cơi đọt phát triển tốt. Khi lá cơi đọt thành thục thì tạo khô hạn liên tục từ 7-14 ngày giúp cho cây phân hóa mầm hoa được thuận lợi hơn. Có thể phun thêm các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao như MKP (0-52-34) giúp cho cây ra hoa được tốt hơn, bình thường thì sau 20-30 ngày thì cây sẽ ra hoa.
Chăm sóc hoa đến lúc hoa nở: Khi mầm hoa xuất hiện thì bón thêm phân NPK như 15-15-15 và tưới nước đủ ẩm cho mầm hoa phát triển.
Tỉa hoa: Không nên giữ lại tất cả các hoa, mà phải chủ động tỉa bớt cho cân đối nhằm tránh hiện tượng hoa phát triển không bình thường, rụng hoa ảnh hưởng đến việc thụ phấn và đậu trái. Cần tưới nước cách ngày để giúp hoa phát triển tốt, vào thời điểm trước khi hoa nở 1 tuần thì cần giảm khoảng 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới để giúp tăng khả năng đậu trái tốt
Chăm sóc từ khi hoa nở đến thu hoạch trái
Thụ phấn nhân tạo: Để việc thụ phấn được tốt hơn, tạo trái sầu riêng đầy đặn, không bị lép do thụ phấn không hoàn toàn.
Khi trái to bằng trái chôm chôm thì bón phân có hàm lượng kali cao như 12-12-17, 12-11-18; cứ khoảng 2 tuần bón một lần, lần bón cuối cùng nên bón trước thu hoạch 1 tháng. Có thể phun phân bón lá có nhiều kali từ tuần thứ 5-9 sau khi đậu trái (1tuần/lần) để góp phần nâng cao năng suất, phẩm chất trái.
Chú ý: Ở thời điểm ra hoa, đậu trái mà cây ra đọt non thì sẽ làm rụng hoa, giảm đậu trái, rụng trái hoặc tăng tỷ lệ trái bị méo mó.
Quản lý nước: Sau khi cây sầu riêng đậu trái thì tăng dần lượng nước tưới nhằm đảm bảo độ ẩm cho trái phát triển tốt. Nếu gặp thời tiết khô tưới 3-4 ngày/lần, chú ý là chỉ tưới vừa đủ ẩm và đều đặn tránh cho cây sầu riêng ra đọt non. Trước khi thu hoạch khoảng 15-20 ngày: Cắt nước để trái mau chín và tránh cho trái bị nhão cơm hoặc ngưng thu hoạch 2 ngày sau khi có mưa lớn.
Tỉa trái: Thực hiện 2 hay 3 lần ở giai đoạn 4-10 tuần sau khi đậu trái nhằm để lại những trái ở những vị trí thích hợp, để lại 1-2 trái/chùm, số trái/cây tùy tuổi cây, tình trạng cây, giống sầu riêng.
Thu hoạch sầu riêng: Nên thu trái từ trên cây và không để trái rụng xuống đất, cần chú ý không cho sự va chạm làm trầy xước trái, giữ trái nơi thoáng mát… để giảm sự thiệt hại ở giai đoạn sau thu hoạch.